Trở thành Hoàng đế Thuận_Trị

Tranh triều phục của Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực. Ngày 8 tháng 10 năm 1643, Phúc Lâm mới 5 tuổi đăng cơ đế vị, định niên hiệu Thuận Trị

Hoàng Thái Cực băng hà vào ngày 21 tháng 9 năm 1643 mà chưa kịp chỉ định Trữ quân, khiến cho nội bộ Đại Thanh phải đối mặt với một nguy cơ phân liệt nghiêm trọng.[21] Những người muốn tranh đoạt hoàng vị bao gồm Lễ Thân vương Đại Thiện (Đích thứ tử và cũng là người lớn tuổi nhất còn sống của Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích), Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn (thập tứ tử) và bào đệ Đa Đạc (thập ngũ tử), cuối cùng là Hào Cách (trưởng tử của Thái Tông Hoàng Thái Cực).[22] Được sự ủng hộ từ hai bào đệ Đa Đạc và A Tế Cách, Đa Nhĩ Cổn (31 tuổi) nắm trong tay Chính Bạch kỳ và Tương Bạch kỳ; Đại Thiện 60 tuổi quản lí Chính Hồng kỳ và Tương Hồng kỳ, trong khi Hào Cách (34 tuổi) kiểm soát Chính Hoàng kỳ và Tương Hoàng kỳ của Thái Tông để lại.[23]

Cuộc tranh luận để tìm ra người sẽ trở thành Tân Hoàng đế của Đại Thanh diễn ra quyết liệt trong Hội đồng Nghị chính Vương đại thần, cơ quan quyết định các chính sách quan trọng trước khi Quân cơ xứ được lập ra những năm 1720.[24] Nhiều Thân vương, Bối lặc cho rằng Đa Nhĩ Cổn, một tướng lĩnh quân sự tài giỏi đã từng kinh qua chiến trận, nên được cử làm Tân Hoàng đế, nhưng Đa Nhĩ Cổn đã từ chối và đề nghị lập trong một số các con của Thái Tông lên kế vị.[25] Để vừa công nhận uy quyền của Đa Nhĩ Cổn lại vừa để hậu duệ của Thái Tông kế thừa đại thống, việc thương nghị đã đi đến quyết định cuối cùng là lập Hoàng cửu tử Phúc Lâm làm Tân Hoàng đế, đồng thời quyết định lập Đa Nhĩ Cổn và Tế Nhĩ Cáp Lãng (cháu trong họ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích và là người nắm giữ Tương Lam kỳ) làm nhiếp chính cho Tân Hoàng đế.[25] Phúc Lâm chính thức đăng cơ Hoàng đế Đại Thanh vào ngày 8 tháng 10 năm 1643, và đặt niên hiệu là "Thuận Trị."[26] Bởi vì sử liệu viết về giai đoạn này không nhiều, nên những năm trị vì của Thuận Trị là thời kì ít được biết đến trong lịch sử nhà Thanh.[27]